Showing posts with label xơ gan. Show all posts
Showing posts with label xơ gan. Show all posts

Tìm hiểu các xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm chức năng gan ( LFTs)  dùng để phản ánh tình trạng hoạt động của gan.. Tuy nhiên ngoài  ý nghĩa, lợi ích cũng có  hạn chế của xét nghiệm chức năng gan (LFTs).  LFTs không thể xác định được những bệnh cụ thể của gan. Để xác định cần có xét nghiệm chuyên sâu và đặc biệt hơn. Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh gan cần có kết quả chẩn đoán hình ảnh, như siêu âm gan, chụp cắt lớp và cộng hưởng từ thường dùng để quan sát hình ảnh gan.

I.Tìm hiểu về xét nghiệm chức năng gan (LFTs)
Xét nghiệm chức năng gan để giúp bác sĩ đưa ra một vài nhận định rằng đang có vấn đề gì đó với gan. Nhưng đừng hiểu sai về xét nghiệm này. Trong khi LFTs thường được dùng để phản ánh tình trạng gan đang hoạt động tốt không, xét nghiệm này có thể bị sai vì không phải bất kỳ xét nghiệm máu nào cũng đánh giá chính xác tất cả các chức năng khác nhau của gan. Vì vậy, chỉ giống như đèn pha và thiết bị đo trong ô tô, LFTs không phải là dấu hiệu hoàn hảo để xác định chính xác bệnh. Tuy nhiên nó giúp cảnh báo cho bác sĩ rằng có điều gì đó bất ổn với gan. Hơn nữa nó giúp cho bác sĩ xác định sự cần thiết tiến hành thêm các xét nghiệm khác. Và khi kết hợp các kết quả xét nghiệm thêm này với LFTs, bác sĩ sẽ có cơ sở tốt hơn để chẩn đoán liệu gan bị bệnh gì và có đang hoạt động tốt không. Bằng việc lưu giữ một loạt kết quả LFTs từ những tháng và năm trước đó, trong một số trường hợp cả bác sĩ và bệnh nhân có thể dự đoán liệu tình trạng gan có ổn định không, có được cải thiện không, có hồi phục không hoặc xấu đi; biện pháp điều trị có đáp ứng không hoặc có cần thử biện pháp khác không; và liệu đã đến lúc bệnh nhân cần phải cấy phép gan chưa.
LFTs bao gồm nhiều xét nghiệm máu khác nhau để kiểm tra nồng độ men gan; bilirubin; và protein gan. Sau đây là các xét nghiệm này.
1.Men gan
Có 4 men gan khác nhau được đưa vào trong các xét nghiệm thông thường. Đó là aspartate aminotransferase (AST hoặc SGOT) và alanine aminotransferase (ALT hoặc SGPT) được biết đến như transaminase; và phosphate kiềm (AP) và gamma-glutamyl transferase (GGTP), được biết như men gan mật. Khi các men này tăng lên có thể biểu hiện của bệnh gan.
a.AST và ALT (transaminase)
AST và ALT thường liên quan đến viêm và/hoặc tổn thương tế bào gan, một tình trạng được coi là tổn thương tế bào gan. Tổn thương gan điển hình dẫn đến tình trạng rò gỉ men AST và ALT vào dòng máu.
Do AST được tìm thấy trong nhiều cơ quan khác ngoài gan bao gồm thận, cơ và tim, việc tăng mức AST không phải luôn luôn (nhưng thường) cho thấy có vấn đề về gan. Khi hoạt động thể lực mạnh cũng làm tăng nồng độ AST. Mặt khác, do ALT chủ yếu có ở gan nên nồng độ ALT cao hầu như luôn phản ánh tình trạng gan có vấn đề (tuy nhiên thì mức ALT bình thường không nhất thiết có nghĩa rằng gan bình thường. Điều này được đề cập ở phần sau).
Mặc dù có thể dự đoán được nhưng mức transaminase máu cao không phải luôn luôn biết mức độ viêm hoặc tổn thương gan. Đây là điểm quan trọng cần phải nhớ. Khoảng trung bình của AST và ALT tương ứng là 0-40 IU/l và 0-45 IU/l. (IU/l là đơn vị quốc tế trên lít và là cách thường được dùng nhiều nhất để định lượng những men đặc biệt này). Nhưng nếu một người có mức ALT là 50 IU/l không phải lúc nào cũng tốt hơn so với người có mức ALT 250 IU/l! Điều này do những xét nghiệm máu đánh giá sự tổn thương hoặc viêm gan được lấy mẫu vào những thời điểm đặc biệt. Ví dụ, nếu bị viêm gan và lấy mẫu vào thời điểm bệnh nhân mới uống rượu vài giờ trước khi lấy máu thì mức transaminase cao hơn nhiều lần so với những người không uống rượu. Cũng lý do tương tự, nếu gan đã bị tổn thương từ nhiều năm trước do uống rượu nhiều – kết quả xét nghiệm máu ngày hôm nay cho thấy bình thường có thể vẫn bị tổn thương gan.
Đi sâu hơn về vấn đề này, có nhiều yếu tố khác ngoài tổn thương gan có thể ảnh hưởng tới nồng độ AST và ALT. Ví dụ transaminase ở nam cao hơn nữ, nam giới Mỹ gôc Phi có mức AST cao hơn nam giới da trắng. Thậm chí thời điểm lấy máu trong ngày cũng ảnh hưởng tới mức transaminase; dường như mức transaminase vào buổi sáng và trưa cao hơn vào buổi tối. Thức ăn hầu như không ảnh hưởng rõ rệt tới mức transaminase. Vì vậy, không khác biệt rõ rệt giữa lúc đói và lúc bình thường. Transaminase cũng có thể thay đổi theo ngày.
Đôi điều về khoảng tham khảo bình thường
Khi kết quả xét nghiệm được đưa cho bác sĩ, họ thường so sánh với giá trị thu được từ một nhóm người khỏe mạnh. Khoảng của giá trị này được gọi là “giá trị bình thường” được gọi là giới hạn tham khảo hoặc khoảng tham khảo. Giá trị cao nhất và thấp nhất của khoảng này thường được gọi là giới hạn bình thường trên và giới hạn bình thường dưới. Khoảng tham khảo này có thể khác nhau chút ít tùy theo từng thời điểm và tùy vào từng phòng xét nghiệm. Bác sĩ sẽ chú ý đến giới hạn này khi đọc từng kết quả xét nghiệm cụ thể.
Tỷ lệ ALT và AST cũng có thể mang lại thông tin có giá trị liên quan đến mức độ và nguyên nhân bệnh gan. Hầu hết các bệnh gan thì mức tăng ALT cao hơn mức tăng AST nhưng có 2 trường hợp ngoại lệ. Xơ gan và nghiện rượu thì mức tăng AST cao hơn mức tăng ALT, thường tỷ lệ này là 2:1.
Mức tăng transaminase xảy ra do quá nhiều nguyên nhân nên chỉ giúp bác sĩ đưa ra một nhận định không rõ ràng. Cần phải làm thêm các xét nghiệm khác để xác định chính xác hơn xem gan bị bệnh gì. Những nguyên nhân sau có thể làm tăng mức transaminase:
  • Viêm gan do virus.
  • Gan nhiễm mỡ.
  • Bệnh gan do rượu.
  • Bệnh gan do thuốc.
  • Viêm gan tự miễn.
  • Nhiễm độc thảo mộc.
  • Bênh gan di truyền.
  • U gan.
  • Suy gan.
  • Luyện tập gắng sức.
b.GGT  và AP (Men gan mật)
Mức GGT và AP tăng có thể là biểu hiện của tắc mật hoặc tổn thương, hoặc viêm đường mật. Những bệnh này thường có đặc điểm là giảm hoặc không lưu thông đường mật, được gọi là ứ mật. Loại tổn thương gan kiểu này được gọi là tổn thương gan mật, bệnh gan được gọi là bệnh gan mật (xơ gan mật tiên phát là một ví dụ của bệnh gan mật). Ứ mật trong gan nói đến tình trạng tắc đường mật hoặc tổn thương bên trong gan. Ứ mật trong gan có thể gặp ở người bị xơ gan mật tiên phát hoặc ung thư gan . Ứ mật ngoài gan nói đến tình trạng ứ mật hoặc tổn thương ngoài gan. Ứ mật ngoài gan có thể xảy ra ở bệnh nhân bị sỏi mật.
Khi bị viêm hoặc tắc đường mật, GGT và AP có thể bị tràn ra như mở kho dự trữ và đi vào dòng máu. Những men này tăng lên rõ rệt – gấp gần 10 lần giá trị bình thường ở giới hạn trên.
GGT được tìm thấy chủ yếu trong gan. AP được tìm thấy chủ yếu trong xương và gan nhưng cũng có thể ở nhiều cơ quan khác như ruột, thận và nhau thai. Vì vậy, mức AP tăng chỉ phản ánh có vấn đề về gan nếu có kèm theo tăng GGT. Nên nhớ rằng GGT có thể tăng và không kèm theo tăng AP, vì GGT dễ bị ảnh hưởng bởi rượu và những thuốc có độc tính với gan. Lưu ý rằng, những người hút thuốc thường có mức AP và GGT cao hơn những người khác với những lý do chưa biết rõ. Tương tự, nồng độ AP và GGT gần như phản ánh chính xác sau khi nhịn đói 12 giờ. Bắt đầu có sự phức tạp khi đánh giá xét nghiệm chức năng gan bất thường!
Nồng độ AP bình thường vào khoảng 35-115 IU/l, và nồng độ GGTP bình thường vào khoảng 3-60 IU/L. Một số nguyên nhân sau có thể làm tăng nồng độ AP và GGTP:
  • Xơ gan mật tiên phát.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ ở người không nghiện rượu.
  • Viêm đường mật xơ hóa tiên phát
  • Bệnh gan do rượu
  • U gan
  • Bệnh gan do thuốc
  • Sỏi mật.
2.Bilirubin
Bilirubin là một chất có màu vàng do gan sản xuất ra khi nó tham gia vào quá trình tái tạo hồng cầu già. Khi chất này tăng lên, mắt và da cũng có màu vàng (vàng da), nước tiểu sẫm màu như trà đặc, phân có màu đất sét nhạt. Khi có tăng bilirubin, trong khi không có sự bất thường trong các xét nghiệm liên quan đến gan, thấy rõ khi thăm khám thực thể, thường đây là những bất thường liên quan tới gan với phần lớn dân số.
Một cụm từ mà bác sĩ thường được nghe từ bệnh nhân là “tôi không thể bị bệnh gan vì tôi không bị vàng da”. Mọi người thường ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết những người bị bệnh gan không bao giờ bị vàng da. Thực tế là mức tăng bilirubin thậm chí không liên quan chút nào tới bệnh gan. Sự chuyển hóa của bilirubin phức tạp và trải qua nhiều bước. Nếu trục trặc ở một trong số những bước này sẽ làm tăng nồng độ bilirubin. Vì nó có liên quan tới gan, nên mức tăng bilirubin thường đi kèm với tình trạng gan kém hoặc tắc mật. Một số nguyên nhân sau có thể gẫn đến tăng bilirubin:
  • Xơ gan mật tiên phát
  • Viêm đường mật xơ hóa tiên phát
  • Viêm gan do rượu
  • Tan máu – Hồng cầu bị vỡ
  • Bệnh gan do thuốc
  • Sỏi mật
  • Suy gan hoặc tình trạng gan kém nói chung
  • Những khối u có ảnh hưởng đến gan, đường mật hoặc túi mật.
  • Viêm gan do virus.
  • Rối loạn chuyển hóa bilirubin lành tính mang tính gia đình, như hội chứng Gibert.
Tăng bilirubin thường đi kèm với tăng AP và GGT. Khi tăng đồng thời bilirubin, AP và GGT có thể bị ứ mật. Tuy nhiên nếu mức bilirubin vẫn bình thường nhưng GGT và AP cao, thì có thể bị ứ mật không vàng da. Những bệnh có đặc điểm bilirubin cao, GGT và AP cao thường là bệnh gan mật.
3.Protein gan
Albumin, prothrobin (yếu tố II) và globulin miễn dịch là những protein được sản xuất chủ yếu bởi gan. Khi có bất thường về mức protein này có thể giúp xác định liệu có bị bệnh gan trầm trọng hay không.
4.Albumin
Mức albumin bình thường trong máu khoảng 4g/dl. Khi gan bị tổn thương nghiêm trọng, nó mất khả năng sản xuất albumin. Những người bị bệnh gan mãn tính đi kèm với tình trạng xơ gan thường có mức albumin dưới 3 g/dl. Mức albumin thấp nói chung chỉ tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng kém và không chỉ có riêng ở bệnh gan.
Đôi điều về hội chứng Gilbert
Đôi điều về hội chứng Gilbert là một rối loạn chuyển hóa bilirubin di truyền, rất phổ biến và lành tính. Nó xuất hiện ở khoảng 4-9% dân số. Chúng có đặc điểm là tăng mức bilirubin không liên tục. Hội chứng này thường được phát hiện khi xét nghiệm máu thường xuyên, khi xét nghiệm này được tiến hành để đánh giá những bệnh khác, hoặc trước khi tuyển dụng hoặc trước khi tham gia bảo hiểm. Mức bilirubin thường tăng tới 3 mg/dl nhưng hiếm khi vượt quá mức 5 mg/dl. Mức tăng thường rõ rệt khi đói, stress, kỳ kinh nguyệt, hoặc khi bị ốm không phải do gan hoặc khi bị nhiễm khuẩn. Vàng da là bất thường duy nhất phát hiện thấy khi khám thực thể. Một số người có những triệu chứng thông thường như khó chịu vùng bụng, buồn nôn hoặc mệt mỏi; tuy nhiên một số chuyên gia lại cho rằng những triệu chứng này là do lo lắng. Tất cả các xét nghiệm chức năng gan đều bình thường. Không khuyến cáo làm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm gan và sinh thiết gan, nhưng nếu làm thì sẽ bình thường. Không có biến chứng lâu dài từ hội chứng vô hại này và không cần điều trị.
5.Thời gian prothrombin
Gan sản xuất ra phần lớn các yếu tố tạo ra cục máu đông mà cơ thể dùng để ngăn chặn sự chảy máu. Thời gian để tạo ra một cục máu đông này gọi là thời gian prothrombin (PT), thông thường khoảng từ 9-11 giây. Vitamin K là một thành phần quan trọng của quá trình tạo cục máu đông. Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng hoặc bị thiếu vitamin K (đôi khi xảy ra ở bệnh gan mật như xơ gan mật tiên phát), PT sẽ kéo dài hơn nhiều so với bình thường, do vậy làm tăng nguy cơ chảy máu quá mức. Trong một vài trường hợp, tiêm vitamin K giúp PT trở về bình thường. Khi tiêm vitamin K mà có cải thiện được PT cho thấy rằng gan vẫn còn chức năng. Khi PT không bình thường hóa được khi tiêm vitamin K, tình trạng đó gọi là bệnh chảy máu (có xu hướng xảy máu quá mức), tổn thương gan nặng và/ hoặc có suy gan. Để điều chỉnh sự khác nhau trong các phòng thí nghiệm cách đo PT, thường dùng tỷ lệ quốc tế (INR).
6.Globulin miễn dịch
Globulin miễn dịch là những protein liên quan đến hệ miễn dịch, một vài trong số này được được tạo ra ở gan và một số được tạo ra từ bạch cầu – tế bào máu trắng. Một vài loại globulin miễn dịch tăng lên ở nhiều người bị bệnh gan mãn tính. Mức tăng globulin miễn dịch A, G và M (IgA, IgG, IgM) có thể là biểu hiện của bệnh gan nào đó (xem bảng 3.1)
7.Tiểu cầu
Tiểu cầu là tế bào máu giúp hình thành cục máu đông. Lá lách đóng vai trò như một kho dự trữ tiểu cầu. Ở những người xơ gan, lá lách  thường phải làm việc nhiều để bù lại chức năng bị suy giảm do tổn thương gan. Điều này thường làm cho lách to và số lượng tiểu cầu giảm, được gọi là giảm tiểu cầu. Bình thường tiểu cầu có số lượng từ 150-400 x 103/ microlit. Nếu bệnh nhân thấp hơn 150 x 103/ microlit được coi là giảm tiểu cầu, và nên nghĩ đến khả năng bị xơ gan.
8.Amoniac (NH3)
Amoniac là một sản phẩm phân hủy của amino acid. Tăng mức ammoniac trong máu có thể là một dấu hiệu của bệnh não. Một số bác sĩ dựa vào mức ammoniac để theo dõi bệnh nhân bị bệnh não, nhưng có một vài nghiên cứu cho thấy ít có mối tương quan giữa nồng độ ammoniac và mức độ của bệnh não, và việc sử dụng nó vào mục đích này còn đang còn gây tranh cãi. Không khuyến cáo xác định nồng độ ammoniac cho bệnh nhân bị bệnh gan, vì bất kỳ bệnh gan nào cũng có thể làm tăng nhẹ thông số này và không phải là chẩn đoán của bệnh não. Cuối cùng, có nhiều yếu tố làm tăng giả mức ammoniac mà có thể biết được sự sai số bao gồm hút thuốc, dùng một vài thuốc nhất định (như acid valproic), tình cờ bị lẫn mồ hôi vào mẫu máu trong quá trình lấy máu và phòng thí nghiệm chậm làm phân tích máu.
9.Một vài lưu ý cuối cùng về xét nghiệm máu
Nên nhớ một số loại xét nghiệm máu riêng biệt không thể dùng để dự đoán sự tiển triển của bệnh gan. Bản thân những xét nghiệm này ít khi biểu hiện rõ rệt. Chúng chỉ có ý nghĩa khi kết hợp với một số các yếu tố khác, chúng phải được đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ. Nói cách khác, không nên quá đề cao những xét nghiệm riêng lẻ này. Mỗi xét nghiệm chỉ là một phần của sự phức tạp. Trong hầu hết các trường hợp, các xét nghiệm này chỉ đưa ra nhận định rằng có vấn đề gì bất ổn – chỉ là bước đầu tiên để đi đến sự chẩn đoán chính xác.
Sau khi đánh giá các kết quả xét nghiệm thông thường, thường yêu cầu làm thêm xét nghiệm máu cụ thể để tìm ra nguyên nhân chính xác của các bất thường về gan. Bảng 3.1  liệt kê các xét nghiệm máu được dùng để chẩn đoán những bệnh gan cụ thể.  Nói chung, khoa xét nghiệm đưa cho bác sĩ kết quả xét nghiệm máu thông thường trong vòng 1 hoặc 2 ngày; nhưng kết quả xét nghiệm máu riêng biệt hơn có thể cần tới 2 tuần, phụ thuộc vào từng khoa xét nghiệm. Thời gian chờ đợi này thật không dễ dàng gì (bệnh nhân cần phải kiên nhẫn).

Bảng 3.1 Xét nghiệm máu được dùng để chẩn đoán những bệnh cụ thể của gan
Bệnh gan Xét nghiệm máu Đường lây
Viêm gan A Kháng thể viêm gan A IgM và IgG Đường ăn uống
Viêm gan B Kháng thể nhân viêm gan B (HbcAb)
Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HbsAg)
Kháng thể bề mặt viêm gan B (HBsAb)
Kháng thể e viêm gan B (HBeAb)
Kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg)
DNA virus viêm gan B (HBV DNA)
Đường máu, sinh dục, mẹ mang thai lây con
Viêm gan C Kháng thể virus viêm gan C (HCVAb)
Acid Ribonucleic virus viêm gan C (HCV RNA)
Tăng globulin miễn dịch (IgG)
Đường máu, sinh dục, mẹ mang thai lây con.
Viêm gan tự miễn Kháng thể kháng nhân (ANA)
Kháng thể cơ trơn (SMA)
Kháng thể vi thể thận/ kháng gan (LKMAb)
Tăng globulin miễn dịch G (IgG)
Không lây
Xơ gan mật tiên phát Kháng thể kháng   (AMA)
Tăng globulin miễn dịch M (IgM)
Không lây
Bệnh gan do rượu Tăng nồng độ cồn trong máu
Tăng globulin miễn dịch A (IgA)
Thể tích huyết cầu trung bình >95 fl
Thiếu vitamin B12 và acid folic
Mức transferrin đã khử sialic acid
Không lây, do uống nhiều rượu
Nhiễm sắc tố sắt mô Sắt
Ferritin
Phần trăm bão hòa transferrin
Khả năng gắn sắt toàn phần (TIBC)
Xét nghiệm gen – sự tương hợp trong ghép mô kháng nguyên hồng cầu (HLA-H) và phân tích thăm dò DNA bằng PCR.
Không lây
Có tính gia đình
Ung thư gan Alpha-Fetoprotein (AFP) > 400 ng/dl Không lây
II.Tìm hiểu về chẩn đoán hình ảnh
Sau khi tiến hành xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ muốn xem hình ảnh tổng thể của gan. Vì vậy, bước tiếp theo là đi đến phòng X quang để có được một hoặc hơn hình ảnh của gan.
Có một số phương pháp được dùng để thu được hình ảnh của gan bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc còn gọi là CT hoặc chụp cắt lớp CAT hoặc chụp cộng hưởng từ. Tất cả phương pháp này không cần phải can thiệp ngoại khoa, nó không làm đau và có thể tiến hành khi bệnh nhân đang tỉnh và được nằm xuống. Một hoặc hơn biện pháp này được thực hiện để định vị gan chính xác khi nó bị nghi ngờ có liên quan tới cơ quan khác; để xác định xem có những khối bất thường trong gan hay không; để đánh giá xem gan có bị to hoặc bị teo hay không; và/hoặc xem có sỏi mật trong túi mật hay không.
1.Siêu âm
Siêu âm được cho là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được dùng nhiều nhất để xem hình ảnh thai nhi ở phụ nữ mang thai, thực tế nó là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được dùng nhiều nhất để xem hình ảnh gan. Đây là phương pháp nhanh và ít tốn kém để quan sát hình ảnh của cơ quan này. Mặt dù được thực hiện tại phòng X quang nhưng thực tế không sử dụng tia X – sóng âm để thu được hình ảnh.
Siêu âm thường được tiến hành vào lúc đói. Khi đó túi mật chứa đầy mật và dễ dàng nhìn thấy sỏi mật. Thực tế có tới 95% số sỏi mật được phát hiện ra nhờ siêu âm. Siêu âm cũng dùng để phát hiện những khối u trong gan có thể lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư), nhưng nó không thể phân biệt được 2 loại này. Hơn nữa siêu âm có thể ước lượng được kích thước khối u. Tuy nhiên ngay cả khi siêu âm cho kết quả bình thường, điều này không có nghĩa là gan không có vấn đề. Thực tế, có nhiều người bị bệnh gan nhưng kết quả siêu âm vẫn thấy bình thường. Vì vậy đừng ngạc nhiên nếu bác sĩ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm sau khi siêu âm.
2.Chụp cắt lớp và cộng hưởng từ
Chụp cắt lớp và cộng hưởng từ đưa ra hình ảnh toàn diện hơn của gan liên quan đến các cơ quan liền kề. Nó thường được sử dụng để đánh giá sâu hơn về khối u phát hiện được bằng siêu âm. Chụp cắt lớp sử dụng bức xạ gamma bằng cách cho tia X đi qua gan. Bất kỳ khối u nào đều cản tia X trên đường đi và lưu lại 1 hình ảnh. Với cộng hưởng từ, bức xạ từ sẽ tạo ra hình ảnh của gan. Cộng hưởng từ hữu ích trong việc phát hiện ra gan nhiễm mỡ, quá tải sắt, và u mạch máu – một khối u máu lành tính.
3.Một vài điều kết luận về chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đem lại nhiều kết quả có ích làm tăng sự chính xác trong chẩn đoán. Tuy nhiên, ngay cả các kỹ thuật tiên tiến này cũng không thể biết được toàn bộ quá trình đang diễn ra trong gan. Điều quan trọng là phải hiểu rằng gan được ngụy trang rất tốt. Ngay cả những người bị bệnh gan nặng và xơ gan có thể cho kết quả chẩn đoán hình ảnh bình thường. Đây là điều quan trọng cần nhớ và được lặp đi lặp lại. Siêu âm, chụp cắt lớp và cộng hưởng từ có thể cho kết quả hoàn toàn bình thường tại bất kỳ giai đoạn nào của bệnh gan. Điều này giải thích tại sao bác sĩ phải dựa vào sinh thiết gan, như một tiêu chuẩn vàng để đánh giá bệnh gan.
III.Kết luận
Sau khi xem xong phần trên bạn đã có thể hiểu rằng xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh có thể đưa ra một vài nhận định quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng xác định chính xác đang có bệnh gì với gan. Nó cũng không giúp đánh giá được mức độ viêm hoặc tổn thương gan. Sinh thiết gan là xét nghiệm duy nhất có thể cung cấp chính xác thông tin này. . Nhưng trước hết, điều quan trọng là phải gặp bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm để xác định khi nào cần làm sinh thiết gan và có kỹ năng để đọc kết quả và sử dụng nó một cách hiệu quả nhất phục vụ cho việc điều trị.  Điều này cũng lý giải những kỹ năng gì mà bác sĩ chuyên khoa cần có và có thể thu thập được thông tin này ở đâu và khi nào.

Nguồn bài viết: drthuthuy.com

Cà gai leo - thuốc chống viêm gan và ức chế xơ gan

Gan là cơ quan chính đảm nhiệm chức năng chuyển hóa trong cơ thể. Là tổng kho dự trữ và cung cấp năng lượng, một trung tâm chuyển hóa quyết định tình trạng sức khỏe của cơ thể (Glucid, Protein, Lipid, Vitamin đều được tổng hợp và dự trữ ở Gan).
Một chức năng rất quan trọng của Gan đó là khử độc. Hầu hết các độc tố xâm nhập vào cơ thể như rượu, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, hóa chất độc hại, độc tố sinh ra trong quá trình phân giải thức ăn trong ruột khi hấp thu vào máu đều được các tế bào gan sử lý, chuyển thành các dạng liên hợp hoặc làm biến đổi cấu trúc không độc hại và được đào thải ra ngoài. Có thể coi gan là một “nhà máy sử lý độc tố” của cơ thể, bảo vệ sự toàn vẹn các hoạt động của các chức năng khác. Có hàng tỷ tế bào gan ngày đêm cần mẫn dọn dẹp độc tố cho cơ thể vì vậy khi gan suy yếu, khả năng giải độc giảm, nồng độ các chất độc trong cơ thể tăng lên rõ rệt và là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như ung thư, mỡ máu, tiểu đường, hôn mê gan, giảm trí nhớ, nám da, sạm da... Mặc dù rất quan trọng cho sức khỏe nhưng gan ít được mọi người chú ý bảo vệ, có hàng triệu người trên thế giới hàng ngày tàn phá gan bằng rượu và thuốc lá hoặc các hóa chất độc hại. Các tế bào gan không được bảo vệ sẽ dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư gan đứng thứ 2 thế giới. 
Gan - “nhà máy lọc chất độc” của cơ thể
Các nguyên nhân gây phá hủy tế bào gan do tiến trình viêm mãn tính như: Các siêu virus B, A, C, D, E và ký sinh trùng, rượu, các chất độc như thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản bị cấm, thuốc… Nguyên nhân thường gặp nhất của xơ gan là rượu. Tất cả những người uống rượu nhiều và thường xuyên đều có nguy cơ bị xơ gan. Thời gian uống rượu càng lâu khả năng tổn thương tế bào gan và phát triển thành xơ gan càng cao.
Do ảnh hưởng quan trọng của gan với sức khỏe vậy nên rất cần phải bảo vệ tế bào Gan hàng ngày bằng cách hạn chế tối thiểu các độc tố đưa vào cơ thể, nhất là các độc tố gây hại trực tiếp cho gan như rượu, thuốc lá, hóa chất bảo quản thực phẩm… mặt khác phải tăng cường chức năng giải độc và bảo vệ tế bào gan. Có gần 50 nghiên cứu về hóa thực vật từ 101 loại cây thuốc có liên quan đến bảo vệ gan như Diệp hạ châu, Cúc gai (sylimarin), Núc nác, Sài hồ bắc, Cam thảo, Tam Thất, Nhân Sâm…
 
Chúng tôi xin giới thiệu cây thuốc nam có tác dụng bảo vệ gan rất mạnh được nghiên cứu bài bản kỹ lưỡng và được các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đánh giá rất cao. Đây là cây thuốc nam được đánh tốt nhất hiện nay về tác dụng giải độc gan. Đó là cây Cà Gai Leo (Tên khoa học: Solanum hainanense Hance Solanaceae). Còn có tên khác là Cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh, cà lù, gai cườm.
Gai leo (Solanum hainanense Hance)
Bộ phận dùng
Rễ, cành lá và cả quả, thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô. Có khi dùng tươi.
Công dụng: Theo kinh nghiệm của dân gian Cà gai leo dùng chữa ngộ độc rượu rất tốt. Tác dụng bảo vệ tế bào Gan mạnh đến nỗi khi uống rượu chỉ cần chà răng hoặc nhấm rễ Cà gai leo thì sẽ tránh được say, nếu bị say thì uống nước sắc của rễ hoặc thân lá sẽ nhanh chóng tỉnh rượu, ngoài ra còn dùng chữa rắn cắn, đau nhức xương khớp.
Cách sử dụng: Rễ, thân, lá, phơi khô sắc uống hoặc đun uống thay nước hàng ngày, ngày dùng 100g
Các công trình nghiên cứu về Cà gai leo:
I. Đề tài: “Nghiên cứu thuốc từ Cà gai leo làm thuốc chống viêm và ức chế sự phát triển của xơ gan” - Đề tài cấp nhà nước do TS. Nguyễn Thị Minh Khai làm chủ nhiệm đã chứng minh tác dụng bảo vệ gan, ức chế sự phát triển xơ gan của dạng chiết toàn phần và bộ phận hoạt chất chính glycoalcaloid. Đã chứng minh tác dụng chống viêm và tác dụng antioxydant rất tốt của cà gai leo (dạng toàn phần và dạng chiết glycoaloid). Đã xác định độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của cà gai leo.
 
Thử trên tác dụng trên lâm sàng trên 60 bệnh nhân viêm gan B mãn hoạt động kết quả điều trị ở nhóm dùng Cà gai leo đạt mức rất tốt và tốt 66.7%, ngược lại ở nhóm chứng (Flacebo) chỉ ở mức trung bình và kém 93.3%, thuốc không gây tác dụng ngoài ý muốn.
 
Từ những kết quả nghiên cứu trên có thể kết luận cà gai leo làm thuốc chữa viêm gan đặc biệt là viêm gan B mãn tính thể hoạt động. Đây là một đóng góp quan trọng của đề tài vì cho đến nay bệnh viêm gan B mãn tính thể hoạt động vẫn còn là nỗi lo lắng của nhiều ngành Y tế của nhiều nước. Interferon được coi là thuốc quan trọng nhất để chữa bệnh này thì quá đắt và có nhiều tác dụng phụ.
II. Đề tài: Nghiên cứu điều trị hỗ trợ bệnh nhân viêm gan virus B mãn tính thể hoạt động bằng thuốc từ Cà gai leo (lâm sàng giai đoạn 3) được thực hiện thử lâm sàng trên 90 bệnh nhân viêm gan B mãn tính thể hoạt động (VGMHĐ) với liều 0,25g, uống 6 viên/ngày, trong 2 tháng so sánh với 90 bệnh nhân nhóm chứng, tại 3 bệnh viện 103, 354 và 108, rút ra các kết luận sau:
-Thuốc có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng lâm sàng (mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, nước tiểu vàng, da niêm mạc vàng,...) (P<0,05); Transaminase và bilirubin về bình thường nhanh hơn sơ với  nhóm chứng (P<0,05).
-Sau điều trị những biến đổi về các Marker của virus viêm gan B là rõ rệt  tại 3 bệnh viện 103, 354, 108 (theo thứ tự) là: Mất HBsAg 5,6% (0%, 16,7%, 0%); chuyển đảo huyết thanh 37,8% (23,3%, 26,7%, 63,3%); HBV-DNA<5 copier/ml 62,9% (40%, 6/7 BN, 66,7%). Tại Viện 103: giảm nồng độ HBV-DNA 52%, nồng độ trung bình HBsAg giảm: 5589+358, so với nhóm chứng các tỷ lệ này tại cả 3 bệnh viện là: 0%; 11,1%; 6,3%; 16,7% và 6418-312 với P<0,05.
-Tại Viện 103, 7 bệnh nhân được điều trị kéo dài 6 tháng kết quả có 1 bệnh nhân mất HBsAg và xuất hiện Anti HBs.
Thuốc không gây một tác dụng ngoài ý muốn nào trên lâm sàng và xét nghiệm.
III. Đề tài: “Nghiên cứu lâm sàng tổn thương gan do  tiếp xúc nghề nghiệp với TNT và tác dụng bảo vệ gan của Cà gai leo trên thực nghiệm” - Luận án Tiến sĩ Dược học 1997 đi đến kết luận: Dịch chiết cây cà gai leo có tác dụng bảo vệ gan chuột dưới ảnh hưởng độc của TNT với các khả năng: hạn chế tăng trọng lượng gan do nhiễm độc; ngăn chặn thoái hoá mỡ và hiện tượng chảy máu vi thể trong nhu mô gan; làm giảm sự huỷ hoại tế bào và tan rã nhu mô gan, do đó bảo tồn được cấu trúc nan hoa của tiểu thuỳ gan.
IV. Đề tài: “Nghiên cứu cây Cà gai leo làm thuốc chống viêm gan và ức chế xơ gan” - Luận án Tiến sĩ dược học 2002 đã thử tác dụng của dạng chiết toàn phần và glycoalcaloid Cà gai leo trên mô hình chống viêm mạn, trên colagenase, mô hình xơ gan thực nghiệm, tác dụng chống oxy hoá. Kết quả cho thấy:
-Dạng chiết toàn phần và glycoalcaloid cà gai leo làm giảm trọng lượng u trên mô hình u hạt thực nghiệm theo thứ tự 42,2% và 35,2%.
-Cả hai chế phẩm trên đều có tác dụng trên men colagenase. Dạng chiết toàn phần làm giảm hàm lượng colagen gan trên mô hình gây xơ gan là 27,0% còn dạng glycoalcaloid là 27,6%.
-Hoạt chất chống oxy hoá (HTCO) in vivo là 47,5% .
-Kết quả trên đã chứng minh glycoalcaloid là hoạt chất chính có tác dụng ức chế sự phát triển xơ gan, chống viêm, bảo vệ gan trong cao toàn phần của cà gai leo.
-Đã nghiên cứu phát hiện những tác dụng dược lý mới của cà gai leo như tác dụng trên hệ miễn dịch, trên tế bào ung thư, cũng như thử tác dụng trên gen gây ung thư của virus và gen ức chế ung thư p53 và Rb.
-Đã xác định độc tính cấp và độc tính bán trường diễn, độc tính trường diến của cà gai leo.
Những kết quả nghiên cứu trên đã đã chứng minh cho việc sử dụng Cà gai leo để giải độc gan và chống viêm mạnh của người dân, điều này cũng cho thấy cây thuốc nam của chúng ta có tác dụng mạnh và sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân nếu được quan tâm đúng mức.
Theo Dantri

XƠ GAN (Phần 1)

XƠ GAN (Phần 1)

Tổng quan?
Mỗi năm, có gần 25000 người Mỹ chết vì xơ gan - một bệnh mà gây ra sẹo không hồi phục ở gan. Xơ gan đặc biệt nguy hiểm vì sự có mặt của mô sẹo làm cho gan khó thực hiện những chức năng thiết yếu cho sự sống và sức khỏe. Trong số những nhiệm vụ chính, gan khử độc các chất có hại, lọc máu và sản sinh các chất dinh dưỡng sống còn.
Ở giai đoạn đầu, xơ gan hiếm khi gây các dấu hiệu và triệu chứng. Nhưng khi chức năng gan kém đi, bạn có thể bị mệt mỏi, kiệt sức, buồn nôn, sút cân và phù chân và bụng. Da và củng mạc mắt sẽ bị vàng, và có thể ngứa nhiều do lắng đọng mật ở da.
Ở Mỹ, nghiện rượu và nhiễm virus viêm gan C mạn tính là hai nguyên nhân chính của xơ gan.
Nhưng nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến bệnh, gồm một số bệnh di truyền, tổn thương đường mật, rối loạn miễn dịch và tiếp xúc lâu dài với một số độc chất trong môi trường.
Mặc dù tổn thương gan do xơ gan là không thể phục hồi, bệnh thường tiến triển chậm và các triệu chứng thường kiểm soát được. Ðiều trị đặc hiệu cho xơ gan phụ thuộc vào nguyên nhân. Người bị xơ gan do viêm gan có thể được điều trị bằng các thuốc kháng virus, trong khi xơ gan do rượu có thể chỉ cần cai rượu. Khi tổn thương nặng đến mức chức năng gan suy giảm nghiêm trọng, ghép gan có thể là biện pháp duy nhất.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Bạn có thể không có các dấu hiệu và triệu chứng của xơ gan ở giai đoạn đầu. Nhưng khi có nhiều mô sẹo thay thế mô lành và chức năng gan suy giảm, bạn có thể có một số triệu chứng sau:
- Chán ăn
- Sụt cân
- Buồn nôn
- Sao mạch màu đỏ nhỏ dưới da hoặc dễ bị bầm tím
- Yếu
- Mệt mỏi
- Vàng da, và mắt, nước tiểu sẫm màu
- Chảy máu từ tĩnh mạch thực quản hoặc ruột
 - Giảm hứng thú tình dục
- Cổ chướng (có dịch trong ổ bụng)
- Ngứa bàn tay, bàn chân và cuối cùng là toàn cơ thể
- Phù cẳng chân, bàn chân do ứ dịch
- Lú lẫn, như hay quên hoặc khó tập trung (bệnh não)
Nguyên nhân
Có khối lượng từ 1,2-1,6 kg, gan là nội tạng lớn nhất của cơ thể. Nó nằm ở bên phải ổ bụng, ngay dưới các xương sườn dưới. Gan khỏe mạnh thực hiện hơn 500 chức năng sống, gồm xử lý hầu hết các chất dinh dưỡng hấp thu từ ruột, loại bỏ thuốc, rượu và các chất độc hại khác ra khỏi máu và sản sinh mật - chất lỏng màu lục được giữ ở túi mật giúp tiêu hóa chất béo. Gan cũng sản sinh cholesterol, các yếu tố đông máu và một số protein khác.
Vì sự phức tạp của gan và sự tiếp xúc của nó với rất nhiều chất độc, gan đặc biệt dễ bị bệnh.
Nhưng gan có khả năng tái tạo đáng ngạc nhiên - nó có thể tự chữa lành bằng cách thay thế hoặc sửa chữa các tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên trong xơ gan, quá trình lành bệnh rất kém. Ðể đáp ứng với tổn thương mạn tính, các tế bào hình sao tăng mạnh về kích thước và số lượng. Ðiều này dẫn đến hình thành quá nhiều mô sẹo cản trở khả năng hoạt động của gan. Và mặc dù các nhóm tế bào có thể tiếp tục tái sinh, song kiểu tái sinh này không còn bình thường nữa.
Các yếu tố nguy cơ
Ở Mỹ, uống rượu quá nhiều là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến xơ gan. Loại rượu ít quan trọng hơn lượng rượu uống trong nhiều năm. Hơn nữa, chỉ một lượng rượu nhỏ cũng có thể gây tổn thương gan nếu bạn bị nhiễm virus viêm gan B hoặc C.
Các yếu tố nguy cơ khác gồm:
+ Bị nhiễm viêm gan C hoặc B mạn tính: Hầu hết mọi người bị viêm gan C do truyền máu trước năm 1992, là năm có các xét nghiệm sàng lọc máu cải tiến. Bạn cũng có thể nhiễm virus do tiêm chích bằng kim tiêm bẩn hoặc, ít gặp hơn, từ kim được dùng để xăm hoặc xỏ lỗ. ở Mỹ, viêm gan B thường lây qua đường tình dục hoặc kim tiêm bẩn. Nhiễm viêm gan C lâu ngày gây tổn thương gan từ từ, và xơ gan xảy ra ở 20% số người trong hơn 20 năm sau khi nhiễm. Bị viêm gan C ở độ tuổi càng cao thì càng dễ bị xơ gan.
+ Giới tính: Nam giới bị xơ gan nhiều hơn phụ nữ, chủ yếu vì nam giới thường uống rượu nhiều hơn phụ nữ.
+ Một số bệnh di truyền: Bao gồm các bệnh gây thừa đồng hoặc sắt lắng đọng trong gan cũng như tăng galactose huyết - một rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng đến cách co thể chuyển hóa đường sữa (lactose) - và các bệnh tích trữ glycogen, ngăn cản sự hình thành và giải phóng glycogen, một dạng glucose dự trữ , khi cơ thể cần.
+ Phản ứng thuốc và tiếp xúc với độc chất trong môi trường: Trong một số trường hợp, xơ gan có thể là hậu quả của phản ứng nặng với thuốc methotrexat (Rheumatrex, Folex), một thuốc ức chế miễn dịch, hoặc với amiodaron (Cordaron, Paceron), được dùng để điều trị loạn nhịp tim. Tiếp xúc lâu dài với các độc chất trong môi trường như arsen cũng có thể gây xơ gan.
Khi nào cần đi khám
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của xơ gan như sụt cân, mệt mỏi, vàng da và phù chân hoặc bụng, đặc biệt nếu bạn uống rượu hoặc đã bị viêm gan thì hãy đến bác sĩ khám. Khám thực thể và xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán xơ gan và loại trừ các lý do khác gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bạn

XƠ GAN (Phần 2)

XƠ GAN (Phần 2)
Sàng lọc và chẩn đoán
Do xơ gan hiếm khi gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn sớm, bác sĩ có thể phát hiện ra bệnh trong khi khám thường qui. Bằng cách sờ nắn nhẹ vùng bụng, bác sĩ có thể thấy gan to và chắc, một dâu shiệu của bệnh gan. Tuy nhiên, khi xơ gan tiến triển, gan của bạn thường co nhỏ, cản trở dòng máu và làm cho lách to, được phát hiện khi khám thực thể.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị xơ gan, bạn cần làm một số xét nghiệm, gồm:
· Xét nghiệm máu gan.
Tổn thương gan giải phóng ra một số enzym. Ðo những enzym này có thể giúp xác định liệu bạn có bị tổn thương gan hay không.
· Xét nghiệm bilirubin.
Bilirubin, một sắc tố màu vàng đỏ có nguồn gốc từ sự giáng hóa bình thường của hồng cầu, được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua nước tiểu. Nhưng trong xơ gan giai đoạn muộn, gan không xử lý được bilirubin, dẫn đến làm tăng nồng độ chất này trong máu
· Siêu âm.
đây là xét nghiệm không xâm lấn dùng sóng âm để tạo ra hình ảnh của nhiều nội tạng gồm có gan. Siêu âm không gây đau và thường chỉ mất chưa đến 30 phút. Trong khi bạn nằm trên giường hoặc trên bàn khám, một đầu dò được đặt lên người bạn. Nó phát ra sóng âm được phản hồi từ gan của bạn và chuyển thành hình ảnh trên máy tính.
· Chụp cắt lớp vi tính (CT).
Xét nghiệm này dùng tia X để tạo ra các hình ảnh cắt ngang qua cơ thể.
· Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Thay vì tia X, MRI tạo ra hình ảnh bằng sóng vô tuyến và từ trường. Ðôi khi, thuốc cản quang cũng được dùng. Xét nghiệm này có thể mất từ 15 phút tới 1 giờ. Bạn có thể thấy MRI bất tiện hơn CT. Ðó là vì bạn sẽ bị nhốt kín trong một ống hẹp và vì máy gây ra tiếng ồn lớn khiến một số người khó chụi.
Sinh thiết gan.
Mặc dù các xét nghiệm khác có thể cung cấp nhiều thông tin lớn về phạm vi và loại tổn thương gan, sinh thiết là cách duy nhất để chẩn đoán xác định xơ gan. Trong thủ thuật này, người ta lấy một mẫu mô gan nhỏ và kiểm tra dưới kính hiển vi. Bác sĩ thường dùng một kim nhỏ sắc để lấy mẫu. Sinh thiết bằng kim là một thủ thuật tương đối đơn giản và chỉ cần gây tê, nhưng bác sĩ của bạn có thể không chọn xét nghiệm này nếu bạn bị bệnh rối loạn chảy máu hoặc cổ chướng nặng. Nguy cơ lbao gồm bầm tím, chảy máu và nhiễm trùng.
Các biến chứng
Vì xơ gan phá vỡ các chức năng bình thường của gan, nó gây ra một số biến chứng nặng:
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Vào bất kỳ thời điểm nào, gan cũng giữ khoảng13% tổng lượng máu của cơ thể, máu vào gan qua hai hệ thống mạch máu khác nhau. Máu từ ruột, lách, tuỵ vào gan qua một mạch máu lớn gọi là tĩnh mạch cửa. Xơ gan làm chậm và tắc dòng chảy bình thường của máu, làm tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như giãn tĩnh mạch và cổ trướng.
Giãn tĩnh mạch.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường gây hình thành các mạch máu phụ - chủ yếu ở dạ dày và thực quản. Ðôi khi hình thành các tĩnh mạch khác xung quanh rốn và đại tràng. Giống như các tĩnh mạch giãn, các mạch máu này có thành mỏng, xoắn và ứ máu. Ðiều này kiến chúng dễ chảy máu - một biến chứng xảy ra ở 30% số người bị xơ gan. Chảy máu ồ ạt ở dạ dày hoặc thực quản từ những mạch máu này là một cấp cứu cần xử trí ngay lập tức.
Ứ dịch.
Bệnh gan có thể gây tích tụ một lượng lớn dịch ở chân (phù) và ổ bụng (cổ chướng). Cổ trướng đặc biệt hay gặp trong xơ gan do rượu. Nhiều yếu tố có vai trò, bao gồm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, giảm khả năng giữ dịch của mạch máu và các thay đổi về hormon và hóa chất điều hoà dịch trong cơ thể. Cổ chướng có thể rất khó chụi và gây khó thở. Ngoài ra, cổ chướng có thể bị nhiễm trùng (viêm phúc mạc tự phát) và cần điều trị bằng kháng sinh. Mặc dù không nguy hiểm, song cổ chướng thường là dấu hiệu của xơ gan giai đoạn muộn.
Bầm tím và chảy máu.
Xơ gan cản trở việc sản sinh các protein đông máu và hấp thu vitamin K, là vitamin đóng vai trò trong tổng hợp các protein này. Hởu quả là bạn dễ bị bầm tím và chảy máu hơn bình thường. Chảy máu trong đường tiêu hóa đặc biệt hay gặp.
Vàng da.
Xảy ra khi gan không thể thải loại bilirubin - chất cặn của tế bào hồng cầu già - ra khỏi máu. Bilirubin tích luỹ và lắng đọng ở da và củng mạc mắt, gây ra vàng da vàng mắt, làm cho nước tiểu xẫm màu và phân như đất sét trắng.
Ngứa.
Muối mật lắng đọng trên da gây ngứa dữ dội.
Bệnh não gan.
Gan bị tổn thương do xơ gan không loại bỏ được chất độc ra khỏi cơ thể - một trong những nhiệm vụ chính bình thường của gan. Sự tích luỹ các chất độc như amoniac - một phụ phẩm của quá trình tiêu hóa protein - có thể gây tổn thương não, dẫn đến các thay đổi trong tình trạng tinh thần, hành vi và nhân cách (bệnh não gan). Các triệu chứng của bệnh não gan gồm hay quên, lú lẫn và thay đổi tâm tính, và trong những trường hợp giai đoạn cuối, mê sảng và hôn mê.
Loãng xương.
Xơ gan cản trở khả năng gan xử lý vitamin D và calci, cả hai đều rất cần thiết cho sự phát triển và khỏe mạnh của xương. Hậu quả là, yếu, giòn và mất xương là biến chứng hay gặp của bệnh này. Calcitriol, một dạng vitamin D, có thể đặc biệt hữu ích trong điều trị vấn đề này.
Ung thư gan.
Xơ gan do bất cứ nguyên nhân nào đều làm tăng nguy cơ ung thư gan, xảy ra khi các tế bào ác tính bắt đầu phát triển trong mô gan. Không may, ung thư gan rất hiếm khi được phát hiện sớm, và tiên lượng thường là xấu. Tiên lượng đối với người bị ung thư gan lại càng phức tạp vì ghép gan hiếm khi được tiến hành. ở hầu hết các trường hợp, ung thư tái phát ngoài gan sau khi ghép gan.
Suy gan.
Xảy ra khi tổn thương tế bào gan trên diện rộng làm cho gan không thể thực hiện các chức năng.
Ðiều trị
Mặc dù tổn thương gan do xơ gan là không thể phục hồi, việc điều trị có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thêm và làm giảm các biến chứng. Ðiều trị tốt nhất phụ thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan.
Ðiều trị xơ gan do rượu
Cai rượu là cách điều trị chính cho xơ gan do rượu. May mắn là đã có nhiều cách điều trị để giúp những người có vấn đề về rượu. Ðiều trị được điều chỉnh phù hợp với từng người và có thể gồm đánh giá, can thiệp ngắn ngày, chương trình điều trị ngoại trú hoặc tư vấn, hoặc điều trị nội trú.
Ngoài ra, do người bị xơ gan và đặc biệt là xơ gan do rượu, thường bị suy dinh dưỡng, dinh dưỡng thường là phần chính của liệu pháp. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể đưa ra một kế hoạch ăn uống tốt, gồm 2000-3000 calo mỗi ngày để giúp các tế bào gan phục hồi.
Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu một số chất hữu ích trong điều trị xơ gan do rượu, bao gồm những thuốc mà ức chế các yếu tố góp phần gây viêm gan và chiết xuất từ đậu nành có thể làm ngừng tiến triển của sẹo gan.
Ngoài điều trị nguyên nhân xơ gan, bác sĩ sẽ chú trọng vào việc ngăn ngừa hoặc cải thiện biến chứng.
+ Tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Bác sĩ có thể kê đơn các chất làm giảm huyết áp như các thuốc chẹn beta - thường là propronolol (Inderal) hoặc nadolol (Corgard) - để giúp làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa và ngăn ngừa chảy máu do giãn tĩnh mạch.
+ Chảy máu. Ðể giúp cầm máu, bạn có thể dùng các thuốc như octreotid (Sandostatin) hoặc vapreotid (Octastatin) - là những chiết xuất của một hormon tự nhiên. Bạn có thể dùng thuốc đơn thuần hoặc phối hợp với một số thủ thuật ngoại khoa. Một trong những thủ thuật này là thắt búi tĩnh mạch nội soi, điều trị chảy máu thực quản. Trong thủ thuật này, vòng latex được dùng để cắt đứt việc cung cấp máu cho mạch máu bị vỡ. Nếu thủ thuật này không thành công, bác sĩ sẽ dùng một catheter có bóng ở đầu để chèn vào tĩnh mạch và cầm máu. Khi chảy máu nặng hoặc tái phát thường xuyên, bạn có thể cần phẫu thuật để tạo đường nối tắt giữa hệ tĩnh mạch gan và hệ tĩnh mạch chung.
Mặc dù thủ thuật này làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa và ngừng chảy máu trong, phẫu thuật nối tắt có nhiều nguy cơ, bao gồm bệnh não.
+ Ứ dịch. Ðôi khi tránh rượu và muối là tất cả những gì bạn cần để làm giảm ứ dịch ở chân hoặc bụng. Nếu không, bác sĩ có thể kê đơn thuốc lợi tiểu như spironolacton (Aldacton) hoặc furosemid (Lasix). Những trường hợp nặng cần phải chọc hút dịch màng bụng, là thủ thuật rút ra một lượng dịch lớn thông qua một ống nhỏ được đưa vào ổ bụng.
+ Ngứa. Các bác sĩ thường kê đơn các thuốc kháng histamin như cholestyramin (Questran) và rifampin (Rifadin, Rimactan) để làm giảm ngứa do các chất chuyển hóa trong máu.
+ Ðiều trị bệnh não gan. Lactulose (Cholac, Duphalac), một loại đường tổng hợp, có thể giúp làm giảm amoniac máu do làm thay đổi typ vi khuẩn trong ruột và làm giảm hấp thu amoniac. Bác sĩ có thể cũng có thể cho dùng kháng sinh neomycin để làm giảm lượng vi khuẩn trong ruột sản sinh amoniac.
+ Suy gan. Khi không thể kiểm soát được các biến chứng hoặc chức năng gan suy nặng, ghép gan có thể là lựa chọn duy nhất đỗi với một số người. Một tin tức đáng phấn khởi là tỷ lệ thành công của ghép gan tiếp tục được cải thiện, và hơn 90% số người được ghép gan sống được hơn 1 năm. Thật không may, số người chờ đợi ghép gan lớn hơn rất nhiều số gan được hiến tặng. Nhưng những bước phát triển mới đây trong ghép gan có thể giúp cho nhiều người được ghép hơn. Những bước phát triển này gồm cho một phần gan từ người thân còn sống, chia một gan ghép cho hai người nhận, các chính sách phân phối tạng mới và đặc biệt các phương pháp mới để ghép gan cho người bị viêm gan C. Cho tới gần đây, gan nhiễm viêm gan C thường bị loại bỏ. Nhưng các nghiên cứu cho thấy người đã bị nhiễm viêm gan C nhận gan từ người cho có viêm gan C (+) cũng hồi phục tốt như nhận gan không bị nhiễm virus viêm gan C. Ðiều này có nghĩa là sẽ có thêm nhiều gan mới cho người bị viêm gan C. Mặc dù, viêm gan C có thể tái phát ở gan mới.
Phòng ngừa
Mặc dù không phải tất cả các trường hợp đều có thể phòng ngừa được, các biện pháp sau đây có thể làm giảm phần lớn nguy cơ
+ Tránh uống rượu hoặc uống rượu vừa phải. Rượu là một chất độc phải được lọc ở gan. Trong quá trình này, tế bào gan bị tổn thương. Thật không may là, bạn có thể không nhận ra là bạn có vấn đề với rượu trước khi tổn thương gan nặng xảy ra. Biết và nhận thức được tiền sử nghiện rượu của gia đình là bước quan trọng trong việc điều trị.
+ Bảo vệ chính mình trước viêm gan C. Vì chưa có vaccin để phòng ngừa viêm gan C, cách duy nhất để bạn tự bảo vệ là tránh tiếp xúc với virus. Nếu bạn không chắc chắn lắm về tình trạng sức khỏe của bạn tình, hãy dùng bao cao su mỗi lần khi có quan hệ tình dục. Không hít cocain và dùng chung bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ dùng ma tuý khác. Dụng cụ dùng ma tuý nhiễm bẩn gây ra khoảng một nửa số các trường hợp viêm gan C mới. Ðến khám bác sĩ nếu bạn đang hoặc đã bị viêm gan C hoặc nghĩ là bạn đã tiếp xúc với virus.
+ Bảo vệ chính mình trước viêm gan B. Vaccin viêm gan B đã có từ năm 1981. Mặc dù tiêm vaccin là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và những người khác, những biện pháp sau đây cũng có thể giữ cho bạn an toàn. Biết về tình trạng sức khỏe của mỗi bạn tình. Nếu bạn không biết, hãy dùng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục. Và nếu bạn dùng bơm kim tiêm để tiêm chích, hãy chắc chắn là bơm kim tiêm vô trùng và không dùng chung bơm kim tiêm.
Tự chăm sóc
Mặc dù tổn thương do xơ gan là không thể phục hồi, bệnh thường tiến triển chậm, và bạn có thể thực hiện một số bước để làm giảm tổn thương gan nặng thêm.
+ Tránh uống rượu. Ðây là biện pháp đơn giản quan trọng nhất mà bạn có thể làm để giúp bảo vệ gan và giảm nguy cơ hoặc các biến chứng nặng. Tránh uống rượu là điều rất quan trọng, cho dù bạn bị xơ gan loại gì.
+ Hạn chế dùng thuốc. Vì gan tổn thương không thể khử độc và thải trừ các thuốảia khỏi cơ thể, hãy hỏi bác sĩ về tất cả các thuốc, kể cả các thuốc không kê đơn. Ðặc biệt không nên phối hợp thuốc giảm đau acetaminophen (Tylenol, hoặc các thuốc khác) hoặc bất cứ thuốc giảm đau nào khác với rượu, cho dù bạn chỉ dùng lượng thuốc khuyến nghị hằng ngày.
+ Không nên tiếp xúc với người ốm. Khi gan của bạn đã bị tổn thương, bạn có thể không dễ dàng chống được nhiễm khuẩn như người khỏe mạnh. Hãy làm mọi việc để tránh bị ốm. Tiêm vaccin viêm gan A và B, cúm và viêm phổi do phế cầu.
+ Có chế độ ăn lành mạnh. Vì xơ gan có thể gây ra thiếu dinh dưỡng kèm theo sút cân, cần nhận được ít nhất 2000 tới 3000 calo từ rau quả tươi, ngũ cốc nguyên cám và những lượng nhỏ protein mỗi ngày. Những thực phẩm này giàu chất dinh dưỡng, gồm các vitamin A, C, E. Xơ gan có xu hướng mất các vitamin quan trọng này. Bác sĩ của bạn cũng có thể kê đơn bổ sung các vitamin K, A và D.
+ Ăn nhạt. Vì natri trong muối gây giữ nước, nó có thể góp phần hoặc làm tăng ứ dịch ở chân và bụng. Ngoài ra không cho thêm muối vào thức ăn, tốt nhất là tránh ăn các thức ăn chế biến sẵn nhiều muối, như súp đóng hộp và thịt nguội với phomát, và đồ gia vị như là nước sốt đậu nành, xốt cà chua nấm hoặc xốt mayonenaise. Nước chanh và thảo dược là những thứ thay thế tốt cho muối.
+ Tránh ăn sò sống. Sò, trai sống và các loại nhuyễn thể có vỏ khác có thể chứa vi khuẩn vibrio vulnificus, cực kỳ nguy hiểm cho người bị xơ gan. Cách tốt nhất là tránh tất cả các loài nhuyển thể, nhưng nếu ăn, bạn phải chắc chắn là đã nấu chín kỹ.
Các thuốc thay thế và bổ sung
Có nhiều liệu pháp thay thế và bổ sung - phần lớn là thảo dược và chất bổ sung dinh dưỡng - cho người bị bệnh gan. Một số trong những liệu pháp này, như là nhựa cây khế, đã được nghiên cứu sâu. Các chất khác, gồm chhát chống o xy hóa acid alpha lipoic (acid thiotic), vitamin E, và N-acetylcytein - một acid amin -hiện đang được nghiên cứu.
Một số liệu pháp thay thế đã được nghiên cứu và biết rõ gồm:
+ Nhựa cây kế (Silybum marianum): Ở châu Âu, nhựa cây kế (Silybum marianum) đã được dùng từ hàng trăm năm nay để điều trị vàng da và các rối loạn khác ở gan. Ngày nay, các nghiên cứu khoa học đã xác nhận rằng thành phần chính của nhựa cây kế là silymarin, có thể giúp làm lành và phục hồi gan. Sylimarin kích thích sản sinh các enzym chống oxy hóa giúp gan trung hoà độc tố. Nó cũng giúp tăng sinh tế bào gan mới và cải thiện sẹo xơ gan. Mặc dù nhựa cây kế lợi cho gan, nó không chữa khỏi viêm gan và không bảo vệ được bạn khỏi nhiễm virus.
Nhựa cây kế được bán ở dạng viên nang hoặc cao không có cồn. Nên đi khám bác sĩ trước khi thử dùng thảo dược này cũng như bất kỳ một thảo dược nào khác để đảm bảo chúng không tương tác với các thuốc khác mà bạn đang dùng.
+ Adenosylmethion (SAM-e). Có nhiều ở gan khỏe mạnh, hợp chất tự nhiên này đóng vai trò trong nhiều quá trình sinh hóa.
Nó đã được dùng ở châu Âu để điều trị trầm cảm và bệnh gan trong gần 30 năm. Một nghiên cứu cho thấy là liều lớn hằng ngày - 1200 miligam - làm giảm tỷ lệ tử vong ở người xơ gan do rượu. Lượng nhỏ hơn có thể cải thiện chức năng gan ở một số typ xơ gan. SAM-e tác dụng bằng cách ngăn ngừa mất glutathion, một chất chống ô xi hóa thiết yếu để khử độc các chất có hại trong gan. Tác dụng phụ của liệu pháp SAM-e gồm khô miệng - buồn nôn và bồn chồn. SAM-e cũng có thể tương tác với một số thuốc chống trầm cảm, dẫn đến đau đầu, nhịp tim không đều và lo âu. Chỉ được dùng SAM-e để điều trị các bệnh gan dưới sự giám sát của thầy thuốc.
+ Các chất chống ô xi hóa. Các phân tử trong cơ thể được tạo ra từ những nguyên tử gắn với nhau bằng sự liên kết hóa học. Mỗi liên kết gồm một cặp điện tử. Khi liên kết này bị phá huỷ - bởi stress, bệnh tật hoặc, thậm chí là quá trình chuyển hóa bình thường - các phân tử chỉ chứa một electron (gốc tự do) được tạo ra. Những mảnh không ổn định này cố kiếm một điện tử khác bằng cách phá huỷ các liên kết khác, gây tổn thương tế bào và thậm chí. Các gốc tự do gây ra nhiều tổn thương trong xơ gan. Nhưng có bằng chứng cho những các chất chống ô xi hóa như acid alpha-lipoic, N-acetylcytein và selen có thể giúp ngăn ngừa tổn thương do gốc tự do. Các nghiên cứu đang được tiến hành.
+ Acid béo omega-3. Chủ yếu có trong cá như cá hồi, dầu cá và dầu anh thảo, acid béo omega-3 có thể giúp bảo vệ gan. omega-3 có thể giúp bảo vệ gan.

Thế Giới Yêu Xe

Lượt xem

hit counters hit counter supply chain management
Bí quyết sống khỏe. Powered by Blogger.
 
© Copyright 2013 Bí Quyết Sống Khỏe