Tăng axit uric máu

Tang axit uric mau co the gay ra hang chuc benh 
Tăng axit uric máu có thể gây ra hàng chục bệnh
Ngoài việc gây bệnh gút , tình trạng tăng axit uric máu có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan như mạch máu, tim, mắt, màng não, cơ quan sinh dục...
Nếu như cách đây 2 thập niên, tình trạng tăng axit uric trong dân Việt Nam ước tính chỉ 1%-2% thì hiện nay, con số đó đã cao hơn nhiều. Một khảo sát của Phòng Tư vấn Sức khỏe Saigon Times năm 2004 cho thấy, trong số 50 bệnh nhân đến khám vì những nguyên nhân khác nhau, có đến 60% bị tăng acid uric máu. Ước tính có khoảng 8 triệu người Việt Nam lâm vào tình trạng này.
Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khẳng định, tình trạng tăng axit uric máu trong cộng đồng hiện khá phổ biến. Bằng chứng là mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị vài ca bệnh gút (biểu hiện thường gặp của tăng axit uric), trong khi trước đây chỉ có vài chục ca/năm.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng thuộc Phòng Tư vấn Sức khỏe Saigon Times cho biết, axit uric là phế phẩm của quá trình phân hủy chất đạm purin và được tống xuất khỏi cơ thể qua đường tiểu. Việc tăng nhập purin hoặc giảm xuất axit uric đều dẫn đến tăng axit uric trong máu. Có hai yếu tố thuận lợi dẫn đến điều này. Đầu tiên là yếu tố di truyền, một số đối tượng có thể tạng dễ bị rối loạn chức năng phóng thích axit uric qua đường tiểu. Thứ nhì là yếu tố môi trường, phổ biến nhất là việc ăn uống quá nhiều chất đạm purin, có trong da gà, đồ lòng, giò heo, nạm bò, lươn, cá biển (đặc biệt là cá mòi, cá nục), thịt rừng (đa số), lạp xưởng. Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, purin trong thực phẩm không trực tiếp gây hại mà chỉ trở thành độc chất khi ăn kèm với mỡ động vật. Cơ chế gây bệnh ở đây là chất béo ngăn cản quy trình bài tiết axit uric qua đường tiểu.
Khi phân tích thói quen của những người có tăng axit uric máu, bác sĩ Hoàng nhận thấy họ có 2 thói quen tai hại, đó là uống ít nước (không đủ 1,5 lít/ngày) và nhịn tiểu (bận làm việc). Điều này có thể lý giải phần nào hiện tượng dù không sử dụng nhiều thực phẩm có purin, nhưng họ vẫn bị tăng axit uric.
Theo bác sĩ Hồng Ánh, việc tăng axit uric máu có thể gây tổn thương ở nhiều cơ quan. Nếu chúng kết tủa và lắng đọng ở tim mạch thì gây viêm mạch máu, viêm màng ngoài tim; ở vùng đầu gây ra viêm kết mạc, viêm mống mắt, viêm tuyến mang tai, viêm màng não. Nếu kết tủa ở vùng sinh dục, các tinh thể uric gây viêm tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt. Ở thận, chúng gây sỏi urat...
Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là bệnh gút, do axit uric kết tủa thành sạn trong khớp, dẫn đến hiện tượng viêm khớp (sưng, nóng, đỏ, đau) tái phát nhiều lần trong suốt đời. Khi mới bị, cơn đau rất thưa, cách 6 tháng, 1-2 năm hay hơn nữa. Nhưng sau vài năm, cơn đau sẽ ngày càng gần lại, dẫn đến biến dạng khớp ở bàn tay, bàn chân... Theo một nghiên cứu tại Hà Lan trong năm qua, người ta ghi nhận những bệnh nhân gút tuổi trung niên thường dễ bị tăng huyết áp (nguy cơ 43%), tăng cholesterol trong máu (5%) và tiểu đường (hơn 50%). Vì thế, các chuyên gia về khớp có một nhìn nhận mới: gút là dấu hiệu sớm của các bệnh tim mạch!
Không phải rượu nào cũng làm tăng nguy cơ bị gút
Đó là ý kiến của các chuyên gia y học Mỹ tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts. Họ khảo sát 47.000 nhân viên y tế nam trong vòng 12 năm, trong số đó có 730 người phát bệnh gút và nhận thấy, những ai uống 2 lon bia hay nhiều hơn mỗi ngày thì có nguy cơ bị gút gấp 2,5 lần người không uống. Dùng rượu mạnh cũng làm tăng nguy cơ, nhưng chỉ ở mức 1,6 lần. Những ai uống rượu vang với mức độ vừa phải thì không có nguy cơ bị gút.
Người đứng đầu nghiên cứu, tiến sĩ Hyon Choi, nói: “Điều này gợi ý rằng một vài chất trong bia, rượu đã đóng vai trò gây bệnh gút”. Theo ông, “thủ phạm” chính có thể là phức hợp purin, có rất nhiều trong bia và nhất là rượu. Bàn luận về nghiên cứu này, tiến sĩ Qing Yu Zeng thuộc Đại học Y khoa Shantou (Trung Quốc) nói: “Nguyên nhân gây ra gút liên quan đến những yếu tố di truyền và môi trường. Nhưng sự gia tăng tần suất của bệnh hiện nay thì chủ yếu là do yếu tố môi trường, trong đó phổ biến nhất là việc uống nhiều thức uống có cồn”.
Giảm đau trong bệnh gút bằng rau trái
Người có bệnh gút phải uống thuốc giảm đau suốt đời, nhưng dù thuốc có tốt đến mấy thì cũng gây ra tác dụng phụ. Để ngăn ngừa điều này, người ta có thể dùng đến một số rau trái có tác dụng giảm đau. Hàm lượng chất giảm đau trong rau trái tuy không đủ để gây tác dụng phong bế cảm giác đau một cách tức thời, nhưng nếu biết cách áp dụng cùng lúc với dược phẩm thì sẽ hỗ trợ tác dụng giảm đau bằng cơ chế cộng hưởng.
Đứng đầu là cam, mận Đà Lạt, chanh, đậu Hà Lan, cà chua, sơ-ri, nấm mèo, hoặc nếu có điều kiện hơn thì dùng nho, táo tây, nấm đông cô. Theo các chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ, hai thức ăn rất tốt cho người bị gút là dưa leo và giấm. Món dưa leo xắt lát trộn dầu giấm với chút củ hành và tỏi, nêm bằng muối tiêu có thêm chút mật ong (theo đúng công thức của ngành y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda) nên luôn có trên bàn ăn. Dưa leo và giấm có tác dụng ngăn chặn phản ứng thoái biến chất đạm purin, đồng thời làm tăng bài tiết axit uric.
Nếu chỉ chọn một dạng thực phẩm đóng vai trò chủ chốt trong chế độ dinh dưỡng của người bị gút thì khoai tây là số một! Con người đã có kinh nghiệm dùng khoai tây cho người bị viêm khớp từ thời thượng cổ. Bệnh nhân gút nên tập ăn mỗi ngày vài củ khoai tây luộc vừa chín (tránh luộc quá lâu vì làm thất thoát vitamin C).
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Chứng tăng axít uric máu                            
Chứng tăng axit uric máu (trên 416 mmol/l) thông thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên thỉnh thoảng gặp ở những lứa tuổi khá. Trước đây, người ta cho rằng, tăng axit uric máu chỉ gặp ở người mắc bệnh gút (gout), nhưng thực ra, chứng này còn có thể xuất hiện trong một số bệnh khác nhau.
Bệnh gút là một gệnh làm tăng axit uric máu và thường gặp nhất trong nhóm bệnh khớp. Hiện nay, một số tuyến cơ sở còn ít biết về bệnh này. Tăng axit uric máu là do rối loạn chuyển hoá purine. Bình thường axit uric được tạo ra trong quá trình chuyển hoá các axit nhân của mọi tế bào trong cơ thể và được đào thải ra ngoài chủ yếu bằng nước tiểu. Ở người bình thường, hai quá trình tạo ra và đào thải axit uric luôn luôn được cân bằng và duy trì ở mức từ 143 - 416 mmol/lít. Vì một lý do nào đó, quá trình chuyển hoá purine bị rối loạn sẽ gây tăng axit uric trong máu.
Ai có thể bị tăng axit uric máu?
- Những người đã và đang mắc bệnh gút
- Những người nghi ngờ mắc bệnh gút, gồm có các triệu chứng viêm, đau cấp tính các khớp như: khớp gối, khớp ngón chân cái, khớp cổ chân... cũng cần lưu ý rằng có một số trường hợp tuy mắc bệnh gút nhưng chưa tăng axit uric máu, cần xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện được.
- Người bị sỏi thận.
- Người suy thận mạn tính.
Đó là những loại bệnh có khả năng làm tăng tổng hợp và giảm thải axit uric qua đường thận.
Điều trị
- Người đang dùng hay đã dùng thuốc lợi tiểu loại Thiazid hay loại Furosemid cũng dễ bị tăng axit uric. Các loại này chỉ làm tăng axit uric máu trong khi dùng thuốc và sau một thời gian ngắn dùng các loại thuốc này, do đó không cần can thiệp làm giảm axit uric máu.
Không phải tất cả các trường hợp tăng axit uric máu đều phải điều trị. Có hơn 90% các trường hợp tăng axit uric máu đơn thuần và chỉ có khoảng 5 - 10% có biểu hiện lâm sàng bệnh gút và một số bệnh khác. Những loại bệnh sau đây cần điều trị làm giảm axit uric máu:
- Bệnh gút có sạn dạng urat.
- Bệnh gút có biến chứng gây suy thận cấp.
- Sỏi đường tiết niệu dạng urat (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo).
Như vậy, khi xét nghiệm máu thấy có hiện tượng tăng axit uric (trên 416 mmol/l) cần tìm hiểu các nguyên nhân có liên quan đến chứng tăng axit uric máu để loại dần và có hướng điều trị thích hợp.
Hiện nay thuốc dùng cho điều trị chứng tăng axit uric máu khá dồi dào nhưng điều quan trọng là phải chẩn đoán đúng bệnh và có chỉ định thích hợp mới đưa lại hiệu quả. Ngoài việc khám, chẩn đoán đúng và cho điều trị đúng phác đồ thì ăn uống cũng rất cần được quan tâm, bởi vì có những loại thực phẩm làm tăng lượng axit uric máu một cách đáng kể.
PGS. TS. BS: BÙI KHẮC HẬU

Axit Uric
Axit uric là sản phẩm chuyển hóa proteins. Axit Uric sẽ tích tụ trong máu khi quá dư thừa hoặc khi bài tiết kém qua nước tiểu.
Tăng axit uric là nguyên nhân gây bệnh Gút.
NGUYÊN TẮC CỦA CHẾ ĐỘ ĂN KIÊNG
1. Giảm thức ăn sản sinh axit uric
Tránh ăn:
·         Nội tạng động vật: món ức cừu, bê, bầu dục (cật), gan, óc động vật, lòng lơn, tim và lưỡi động vật.
·         Thịt lợn ướp
·         Thịt sấy
·         Một số loại cá: cá mòi, cá hộp, cá trồng, cá hồi song, cá chép, cá chó, cá thu, cá ngừ,
·         Các loài thân mềm: sò huyết, ốc sên, mực, ốc
·         Các loài thân giáp: cua, tôm và tôm hùm.
Cần giảm ăn thịt
Không loại rau nào gây tăng axit uric bởi vì chất purin trong rau quả không chuyển hóa thành axit uric.
2. Tăng bài tiết nước tiểu: Bài tiết nước tiểu càng tăng thì axit uric lọc qua thận càng tốt.
Cần uống nhiều nước (2 đến 3 lít/ngày)
3. Tránh ăn các loại thức ăn gây cơn Gút cấp:
Một số loại thức ăn không mang axit uric nhưng thông qua cơ chế phức tạp của cơ thể chúng ta có thể gây ra những cơn Gút cấp:
    Rượu (chất cồn)
    Sô cô la, nấm
    Các loại mỡ nói chung
Chế độ ăn trong bệnh Gút (tăng axit uric)
Sử dụng thức ăn ít chứa nhân purin như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả. Hạn chế thực phẩm thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, bầu dục, đậu đỗ.
* Bỏ rượu, thức uống có rượu, bia, cà phê, chè.
* Không giảm cân quá nhanh cho người béo quá mức (cần giảm từ từ).
* Uống đủ nước (nhưng không dùng cà phê, chè).
Thực đơn mẫu cho bệnh nhân bị Goutte cấp tính.
- Tổng năng lượng đưa vào: 1600 kcal/ngày, cho người nặng 50 kg.
- Đạm 15% (0,8g/kg) = 40g = 160kcal
- Chất béo: 20% = 35g = 315 kcal
- Bột - đường: 65% = 300g="1200" kcal
- Rau quả: tự do
Thực đơn lâu dài cho bệnh Goutte
Như chế độ thông thường nhưng cần lựa chọn thức ăn; hạn chế thức ăn nhiều
purin; protein không quá 1g/kg cân nặng. Như vậy thì đạm động vật và đậu đỗ
không nên quá 100 gam/ ngày.
Hàm lượng purin trong 100g thức ăn có thể tham khảo như sau:
Nhóm I (0-15 mg)
Nhóm II (50-150mg)
Nhóm III (trên 150 mg)
- Ngũ cốc
- Bơ, mỡ
- Đường
- Trứng
- Sữa
- Phomat
- Rau, quả

- Hạt
- Thịt
- Cá
- Hải sản
- Gia cầm

- Đỗ, đậu
-óc
- Gan
- Bầu dục
- Cá sarrdin
- Nước dùng thịt
- Nấm

- Măng tây
 Nhóm IV: Thức uống có khả năng gây đợt Goutte cấp
- Rượu, thức uống có rượu
- Bia (biacó purin)
- Cà phê, chè (có chứa methyl purin khi bị oxy hoá sẽ tạo thành methyl acid uric)
Nguồn: Viện Dinh dưỡng

Axit uric trong máu cao làm tăng nguy cơ tử vong ở người trung niên
Axit uric là chất làm phá hủy các hợp chất từ nitrogen, và thường được thải ra trong nước tiểu. Lâu nay, mọi người vẫn biết rằng axit uric được phát hiện với khối lượng lớn trong khớp của những người bị bệnh gút. Hiện nay, các nhà khoa học cho biết axit uric có thể còn là một tín hiệu nguy hiểm phát ra từ các tế bào bị tổn thương gây ra bệnh viêm nhiễm và phản ứng miễn dịch mạnh.
Nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu trên 42.000 nam giới và 49.000 phụ nữ ở tuổi trung bình là 51. Tất cả đều có kết quả kiểm tra sức khỏe từ năm 1994 đến cuối năm 2003. Lượng axit uric cao – khoảng 7mg/delicit – phát hiện ở 40% nam và 11% nữ. Trong thời gian theo dõi là 8,2 năm, 5.427 người đã chết và 1.151 trong số những người đã chết là do bệnh tim mạch.
Trong số những người tham gia nghiên cứu, một lượng lớn axit uric có tác động đáng kể tới nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch, đột quỵ và suy tim. Lượng axit uric trong máu cao còn có tác động mạnh hơn gây rủi ro tử vong đối với những người bị huyết áp cao và tiểu đường. Hiện nay nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu liệu lượng axit uric trong máu cao có phải là nguyên nhân dẫn đến giai đoạn phát triển ban đầu của một số bệnh hay không.

Comments :

0 nhận xét to “Tăng axit uric máu”

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghé thăm. Bạn có ý kiến thắc mắc hay bình luận gì về bài viết này vui lòng viết ở đây.
Nếu bạn không có tài khoản google, vui lòng chọn "Anonymous" (người dùng nặc danh) "name"(tên hoặc địa chỉ trang web,blog bạn)
Tôi hy vọng bạn sẻ tìm đc nhiều thú vị khi tham quan blog này !...

Thế Giới Yêu Xe

Lượt xem

hit counters hit counter supply chain management
Bí quyết sống khỏe. Powered by Blogger.
 
© Copyright 2013 Bí Quyết Sống Khỏe